Antoine-Louis Barye
Bức hoạ nhà điêu khắc Antoine-Louis Barye được vẽ bởi Léon Bonnat
Antoine-Louis Barye (1795-1875) là một nhà điêu khắc người Pháp, nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc động vật. Thực hành phác thảo của ông được thực hiện trong môi trường tự nhiên, trong vườn thú quốc gia ở Jardin des Plantes, Paris.
Ông cũng học và thực hành chạm khắc và gia công kim loại và từ rất sớm, trở thành một thợ chạm khắc xuất sắc. Ông vào Trường Mỹ thuật Paris vào năm 1818, nơi ông được đào tạo về phong cách cổ điển trong xưởng của nhà điêu khắc François-Joseph Bosio và họa sĩ Antoine-Jean Gros. Năm 1820, ông đã giành được giải thưởng điêu khắc Rome hạng nhì cho tác phẩm Cain bị Chúa nguyền rủa. Vào năm 1831, Barye được công chúng biết đến rộng rãi khi trưng bày tại Salon tác phẩm chủ đề con Hổ đang nuốt chửng con mồi, một tác phẩm ghê rợn, dày vò và biểu cảm. Ngay lập tức ông được xem là nhà điêu khắc lãng mạn hàng đầu, xếp trên cả Eugène Delacroix trong hội họa, đồng thời nổi lên như một hiện tượng, khơi dậy sự ngưỡng mộ của giới các nhà phê bình.
Sau đó ông tiếp tục sáng tác và sản xuất những kiệt tác, thường ở kích thước nhỏ, làm phong phú thêm các bộ sưu tập của các nhà sưu tầm ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Năm 1833, Barye trưng bày bức tượng Sư tử với con rắn tại Salon, một tác phẩm đầy ẩn ý của một câu chuyện ngụ ngôn về sự quyến rũ của chế độ quân chủ, ba năm sau Cách mạng Tháng Bảy.
Barye đã mở một xưởng đúc, sử dụng các kỹ thuật hiện đại của thời đại, tự sản xuất và phân phối các tác phẩm của mình. Giống như những nghệ sĩ lãng mạn cùng thời, Barye đánh giá cao những phát hiện mới lạ và cả phong cách thời Trung cổ. Ông thích sử dụng đồng hơn là đá cẩm thạch trong nghệ thuật điêu khắc của mình. Phong cách của Barye bắt đầu dịu xuống và nhẹ nhàng, thanh thoát hơn kể từ năm 1843. Ông đã đưa ra những hình tượng con người lấy cảm hứng từ các người mẫu Hy Lạp, như nhóm đồng Theseus và nhân mã Biénor, với một năng lượng và sự chuyển động đặc trưng cho tầm nhìn lãng mạn.
Những lý tưởng cộng hòa của Barye không ngăn cản ông gắn bó với Ferdinand-Philippe của Orleans, người đã cùng ông thực hiện Thiết lập bàn, một kiệt tác nghệ thuật trang trí thời bấy giờ. Ông cũng trở thành một trong những nhà điêu khắc yêu thích của Napoleon III, dưới triều đại mà ông đã sản xuất các tác phẩm đồ sộ như La Paix, La Force, La Guerre và L’Ordre (War, Peace, Force, Order) để trang trí cung điện Louvre mới và một bức tượng hoàng đế cưỡi ngựa cho bảo tàng Louvre.
Tác phẩm La Paix, La Force, La Guerre và L’Ordre của Antoine-Louis Barye năm 1885
Mặc dù hoạt động thương mại và thực hành nghệ thuật của ông đã làm các thành viên của Viện nghệ thuật Paris bối rối, cuối cùng họ đã chào đón ông gia nhập vào năm 1868. Tên tuổi và danh tiếng của ông được công nhận và biết đến rộng rãi trong suốt hơn mười năm cuối đời.